Bàn giao các công trình thủy lợi về các Công ty Thủy lợi: Hiệu quả thấy rõ
Chất lượng các công trình thủy lợi được nâng lên rõ rệt; nhiều công trình sau khi tu sửa, cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng đã tạo tiền đề khuyến khích nông dân dồn thửa đổi ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao năng suất, giá trị hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác… Đó là những “cái được” dễ dàng nhìn thấy sau 7 năm UBND tỉnh thực hiện bàn giao các công trình thủy lợi về cho các Công ty TNHH MTV Thủy lợikhai thác, quản lý và sử dụng. Chấm dứt tình trạng “ruộng chờ nước tưới”
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đại diện Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Với hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư cùng những cơ chế, chính sách về miễn 100% thủy lợi phí được thực hiện, chưa bao giờ người làm nông nghiệp của Vĩnh Phúc lại “nhàn” như những năm gần đây. Ở thời điểm trước những năm 2010, trong số 441 hồ đập, 383 trạm bơm lớn nhỏ và 2.387km kênh các loại trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 11 hồ đập lớn, có diện tích tưới hơn 300 ha; 20 trạm bơm và gần 600km kênh loại I và II do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, số còn lại đều do các xã, Hợp tác xã quản lý, khai thác. Mô hình quản lý này đã nảy sinh nhiều vướng mắc khi không thể phân rõ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra việc thiếu nước; chồng lấn diện tích và thay đổi hình thức tưới làm tăng kinh phí cấp bù thủy lợi phí, trung bình mỗi năm thuỷ lợi phí tăng khoảng 10%. Tỷ lệ các công trình thủy lợi được đầu tư xây mới, cải tạo thấp; hệ thống công trình manh mún, riêng lẻ gây lãng phí nhiên liệu và nguồn lực quản lý, lãng phí nguồn nước trong điều kiện mực nước sông hồ ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu và điều tiết dòng chảy của các nhà máy thủy điện.
Sau bàn giao, các công trình thủy lợi ngày càng được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa
phục vụ tốt hơn nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp
Sớm nhận ra những hạn chế kể trên, trong giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh đã thực hiện bàn giao toàn bộ các công trình thủy lợi cho 4 doanh nghiệp thủy lợi là: Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo và Phúc Yên có nhiệm vụ đảm bảo việc tưới tiêu cho gần 41.000 ha cây hàng năm; đồng thời, duy tu bảo dưỡng để các công trình thủy lợi đạt hiệu quả thiết thực hơn.
Theo ông Nguyễn Gia Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn, trong khi ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, Công ty thủy lợi chỉ quản lý điều tiết nước ở kênh cấp I, II còn từ kênh cấp III, kênh nội đồng được giao cho các địa phương, Hợp tác xã nông nghiệp quản lý, sử dụng thì Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên bàn giao cho các công ty thủy lợi quản lý “trọn gói” từ kênh cấp I đến kênh nội đồng. Việc làm này đã khắc phục được triệt để tình trạng “ruộng chờ nước tưới”. Từng đoạn kênh, từng sào ruộng đều được giao cho một đơn vị cụ thể như vậy nếu xảy ra tình trạng thiếu nước ở cánh đồng nào, đoạn kênh nào thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm.
Không chỉ ở Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn, kể từ khi thống nhất công tác quản lý các công trình thủy lợi cho đến nay, việc phối hợp với Phòng Nông nghiệp các huyện, thị, thành đôn đốc các Hợp tác xã nông nghiệp tu bổ, nạo vét kênh mương nội đồng trước khi vào vụ đều được các công ty thủy lợi triển khai tốt hơn. Các trạm bơm và các công trình tưới tiêu đều được triển khai bảo dưỡng, tu bổ sửa chữa trước khi vào vụ. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty đã chủ động dự trữ nước, vận hành trạm bơm điện khoa học, hợp lý, giảm tối đa việc vận hành vào giờ cao điểm nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Được biết, để có cái nhìn tổng thể, khách quan từ đó có sự đánh giá đúng về hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi sau khi bàn giao cho doanh nghiệp thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện một cuộc điều tra xã hội học về chất lượng phục vụ tưới, tiêu với trên 2.000 phiếu được phát ra. Kết quả cho thấy, trên 90% ý kiến cho rằng chất lượng phục thủy lợi ở các công ty tốt hơn trước. Riêng Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch có tới 97% ý kiến cho rằng chất lượng phục vụ tốt hơn trước, chỉ có 3% ý kiến cho rằng chất lượng phục vụ vẫn như trước. Phục vụ tưới, tiêu theo kiểu “đơn đặt hàng”
Ông Nguyễn Đức Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2014, dịch vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo phương thức giao kế hoạch, trình tự thủ tục thẩm định diện tích tưới, tiêu. Theo đó, đầu mỗi vụ, các công ty phải nộp về Sở đầy đủ kế hoạch và hợp đồng tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Cuối mỗi vụ, sẽ nộp các hồ sơ, tờ trình đề nghị thẩm định diện tích tưới tiêu, cấp nước; tập biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng giữa công ty với các hộ dùng…Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành thẩm định diện tích tưới, tiêu miễn thủy lợi phí đúng trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, đa phần các Công ty TNHH MTV thủy lợi chậm nộp các loại hồ sơ theo quy định, thường đến Quý II năm sau khi Sở Tài chính có yêu cầu quyết toán thì mới làm dẫn tới công tác thẩm định diễn ra trong thời gian rất ngắn, không tổ chức được công tác kiểm tra mà chỉ dựa trên hồ sơ do các công ty cung cấp.
Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42 quy định về đặt hàng quản lý, khai thác công trình thủy lợi; giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là cơ quan đứng ra đặt hàng tưới, tiêu với các công ty thủy lợi. Như vậy, từ năm 2016 theo quy định Dự toán kinh phí miễn thủy lợi phí được UBND tỉnh phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán được căn cứ dựa trên dự toán đã được phê duyệt và các biên bản nghiệm thu quá trình và cả năm của cơ quan đặt hàng là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với đơn vị nhận đặt hàng là các doanh nghiệp thủy lợi.
Sau hơn 1 năm thực hiện tưới, tiêu theo hình thức đơn đặt hàng, ông Phạm Quân, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Bình Xuyên khẳng định việc làm này không chỉ chấm dứt tình trạng tranh chấp diện tích tưới, tiêu mà còn hạn chế được việc thất thoát thủy lợi phí và ngân sách nhà nước, doanh thu của doanh nghiệp ổn định nên đời sống người lao động được đảm bảo. Bên cạnh đó, thời gian điều phối nước cũng được rút ngắn từ 3 - 5 ngày giúp tiết kiệm được nguồn nước do tưới đúng kỹ thuật; nhiều công trình thuỷ lợi được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa và nạo vét; thiết bị, máy móc được thay thế kịp thời; công tác điều hành tưới được thống nhất từ đầu mối đến mặt ruộng. Đặc biệt, đối với cán bộ thủy nông, sau khi được tiếp nhận, ký hợp đồng làm việc ở các công ty đã được đào tạo nâng cao tay nghề và có thu nhập ổn định hơn trước nên trách nhiệm với công việc ngày càng được nâng cao.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 7 năm hoạt động, mô hình quản lý một đầu mối hệ thống thủy nông đã phát huy vai trò, hiệu quả, góp phần đem lại thành quả cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà qua những con số như: Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 40.000 tấn; nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn được hình thành ở các địa phương trong tỉnh; có thêm nhiều Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm ăn hiệu quả; các loại hình dịch vụ về xây dựng, vận tải… đã góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân hơn 6%/năm với giá trị thu nhập bình quân đạt hàng trăm triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, do phương thức đặt hàng dịch vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn mới mẻ trong cả nước - Vĩnh Phúc là một trong 15 tỉnh đi đầu trong việc thực hiện phương thức này nên cả cơ quan đặt hàng và các đơn vị nhận đặt hàng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hầu hết công nhân ở các tổ thủy nông lớn tuổi, lại không được đào tạo nên chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhất là việc quản lý vận hành; diện tích canh tác của các xã, phường nhỏ lẻ, manh mún, có nơi còn không có công trình tưới, tiêu; một số nơi, chưa có sự phối hợp tốt giữa công ty và địa phương, cán bộ thuỷ nông chưa thực sự chuyên tâm phục vụ nông dân. Trong khi giá nhân công, nguyên vật liệu, phí bảo hiểm thường xuyên thay đổi mà giá dịch vụ thủy lợi nhiều năm chưa thay đổi kịp để đáp ứng chi phí của doanh nghiệp.
Để giải bài toán này, thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục có các giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Bên cạnh triển khai các dự án thủy lợi lớn, trọng điểm cần quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh mương nội đồng; đồng thời, có cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công nhân trạm thủy lợi trong và sau khi nghỉ việc để họ yên tâm gắn bó với nghề. Bích Phượng
Đăng bình luận