Ông Tấn “thủy lợi"
Nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công trình thủy lợi Bắc -Hưng-Hải, ông băn khoăn quá, liền báo cáo Bác Hồ: “Thưa Bác, cháu không hiểu gì về thủy lợi, bỡ ngỡ vô cùng!”. Bác cười hiền hậu, bảo: “Chú làm khắc biết, biết đánh giặc thì biết làm thủy lợi”. Đáp lại niềm tin của Bác Hồ, ông đã xây dựng nên thiên sử vàng trên công trình Bắc -Hưng-Hải và nhiều hệ thống thủy lợi lịch sử khác. Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn với danh xưng thân mật -ông Tấn “thủy lợi” là người có công đầu trong kiến tạo nên bộ máy thủy lợi Việt Nam trong suốt thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước…
“Tư lệnh” đại thủy nông
Ngày 27-8-1958, sau khi công việc thiết kế đã hoàn tất, thường trực Chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Bác Hồ để duyệt kế hoạch khởi công và xây dựng khu đầu mối Bắc -Hưng-Hải, một công trình đại thủy nông với quy mô tưới tiêu lớn nhất nước. Cuộc họp được bàn xét rất cụ thể và tỉ mỉ về lao động và vật tư, tài chính… nhưng chưa biết chọn ai làm chỉ huy trưởng. Bác Hồ nêu tiêu chí: Là người thông minh, lắng nghe, sâu sát, quyết đoán, có óc tổ chức, động viên, tập hợp được trí tuệ tập thể. Theo yêu cầu này, sau cuộc họp, chính Bác là người chọn ông Hà Kế Tấn làm Chỉ huy trưởng công trình đặc biệt đó.
Hôm về Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) quê của cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn cùng đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi cứ thắc mắc một điều: Vì sao một người chưa một ngày được học và làm về thủy lợi nhưng khi được Bác Hồ giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với cương vị người đứng đầu công trình thủy nông lịch sử và tiếp đó là ngành thủy lợi non trẻ khi ấy? ông Đinh Gia Khánh, nguyên Cục trưởng quy hoạch các lưu vực sông ở miền Bắc, người cộng sự gần gũi với cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn cho rằng, ông Tấn “thủy lợi” là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học. ông tự trang bị cho mình về văn hóa và về ngành thủy lợi, nắm chắc những vấn đề cơ bản và thực tế của ngành. Trong những cuộc thảo luận, phân tích, ông chịu khó lắng nghe phản biện của các cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế -xã hội, các chuyên gia trong và ngoài ngành thủy lợi trước các phương án quy hoạch, dự án, kế hoạch khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý…
Vừa là “tướng” vừa là… “thợ”
Trong hồi ký, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn cũng thừa nhận: “Gần mười năm chinh chiến trận mạc, nhiều lúc cũng lo lắng về trách nhiệm. Nhưng đứng trước một sự nghiệp vĩ đại như thế này (công trình thủy lợi Bắc -Hưng-Hải/ PV), lại được Bác giao, tôi mất ăn, mất ngủ lo không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ huy trưởng một đại công trường thủy lợi hàng mấy vạn người, nhưng lúc mới bắt đầu tôi có biết đâu là “ta luy” là “ góc nghỉ”, “góc trượt” của đất, đâu là ứng suất beton… Tôi tranh thủ học hỏi ngay các kỹ sư giúp việc cho tôi lúc bấy giờ. Càng làm tôi càng thấm lời Bác dạy”. ông Đinh Gia Khánh nhớ lại: “Công trường đại thủy nông Bắc -Hưng-Hải lúc cao nhất có khoảng 27.000 cán bộ, chuyên gia, công nhân, bộ đội, lao động tham gia. Trong rất nhiều giải pháp để điều hành công việc, “Tư lệnh” Hà Kế Tấn rất chú trọng công tác giao ban hằng ngày, phát hiện những việc tốt cần nhân rộng, những việc chưa tốt cần thúc đẩy, uốn nắn. Nhìn bề ngoài, công việc ở công trường thật bề bộn nhưng bên trong đều theo một trật tự chung. Nhờ vậy, chỉ trong 5 tháng, người “bỡ ngỡ vô cùng” ấy đã chỉ huy đào đắp hơn 6 triệu mét khối đất đá, xây lát hơn 10 vạn mét khối đất đá hộc, đổ 12 nghìn khối bê tông cốt thép. ông đã chỉ huy hoàn thành mục tiêu mở nước vào ngày 6-1-1959 và hoàn thành toàn bộ công trình vào ngày 1-5 cùng năm. Sau hơn 50 năm thử thách, công trình vẫn vững vàng trước các trận lũ lịch sử, hàng triệu người đã và đang hưởng hạnh phúc lâu dài từ công trình thế kỷ này”.
Xem bức ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng vác cuốc sóng đôi với Chỉ huy trưởng Hà Kế Tấn trong ngày khởi công cống Xuân Quang trên công trường thủy nông Bắc -Hưng-Hải, ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục đê điều phòng chống lụt bão nói với chúng tôi: “Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn là người mang phong cách “2 trong 1” – phong cách của người thợ và của vị tướng lĩnh. ông vừa giỏi tổ chức nhưng cũng rất lăn lộn thực tế. Nhìn ông mặc bộ đồ giản dị, quần xắn quá đầu gối, tự mình vác cuốc và tham gia công việc một cách thực sự, chúng ta không thấy sự khác nhau nào giữa vị chỉ huy trưởng và người lao động bình thường. Cử chỉ ấy, động viên hàng vạn dân công, bộ đội, sinh viên ào ào hưởng ứng làm theo”. Theo lời Bác Hồ dạy “Gắng quá sức, dễ ốm, không bền”; ông còn chỉ đạo “dưỡng quân” để làm việc lâu dài. Khi biết dân công, bộ đội gánh đất một lúc 4 sọt, có người 6 sọt, theo tiêu chuẩn chỉ 2 sọt, tổng cộng 35kg, ông hạ lệnh cấm gánh 6 sọt, riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt. Quyết định tưởng như nhỏ ấy nhưng có tác dụng lớn, góp phần hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian ngắn.
Người “chuyên” làm việc mới, việc khó
Đó là lời khẳng định của ông Đinh Gia Khánh, vị cộng sự thân thiết với cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn. Ngoài cương vị là Chỉ huy trưởng công trường Bắc -Hưng-Hải, ông Tấn “thủy lợi” còn được giao là thứ trưởng đặc trách việc nghiên cứu quy hoạch trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng. Đây là công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội tổng hợp lần đầu tiên thực hiện ở nước ta. ông đã có 9 năm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình Hòa Bình trên sông Đà, một công trình thủy lợi -thủy điện lớn nhất Đông Nam á… Thậm chí, đến năm 1980, theo yêu cầu của cách mạng, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn còn được giao một nhiệm vụ mới “toanh”: Bí thư Đảng đoàn Tòa án nhân dân Tối cao. Dù phải nhận những công việc mới và khó như vậy nhưng ông luôn khẳng định tư chất của mình, để lại dấu ấn qua mỗi chặng đường công tác.
Khi về làm Bộ trưởng Thủy lợi, ông rất băn khoăn về quan điểm, thực hiện “3 chính” trong công tác thủy lợi: “Dân làm là chính, công trình nhỏ là chính, giữ nước là chính” trong một bộ phận lãnh đạo. Cũng từ chủ trương “3 chính” mà các tổ chức như quản lý thủy nông, quản lý đê điều, các đội công trình bị giải tán. ông nghe ý kiến nhiều chiều và sang Trung Quốc tham quan sau đó đề xuất với Trung ương Đảng, Chính phủ của ta và bạn phương án xây dựng công trình lớn, vừa và nhỏ; nhà nước và nhân dân xây dựng, quản lý. Từ đó, thay đổi chuyển từ “3 chính” thành phương châm “3 kết hợp”. ông cũng là tác giả của phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống lụt bão mà đến nay chúng ta vẫn đang thực hiện.
Giai đoạn ông đứng đầu ngành thủy lợi cũng là những năm “giông bão” về thiên tai, địch họa: 4 trận lũ sông Hồng lớn nhất, nhiều năm đại hạn nhất, bom Mỹ phá hoại các công trình thủy lợi, đê điều dữ dội nhất… ông đã ghi vào lịch sử bằng việc đưa toàn bộ hệ thống đê Bắc Bộ từ không chịu được mức lũ 12, 5m ở Hà Nội và 5, 3m ở Phả Lại lên bảo đảm lũ tương ứng là 13, 3m và 6,3m; xây dựng thêm được 57 hệ thống công trình thủy lợi, năng lực tưới tiêu tăng gấp gần 5 lần… Kỹ sư Phan Khánh, một người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử ngành thủy lợi cho rằng: “Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn làm việc trong thời kỳ có nhiều thiên tai, địch họa và cả những “hiểu lầm họa” nhưng vẫn được người đời khen là bộ trưởng tài năng nhất của ngành thủy lợi, đã làm tốt những lời Bác dạy”.
Một đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiều chiến công nhưng cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn vẫn sống thanh bạch, giản dị. ông mất năm 1998, chỉ để lại cho gia đình nửa căn hộ, không có sân vườn và tài sản có giá trị. Anh Hà Kế Toán, cháu gọi ông Tấn là chú ruột, vui mừng “khoe”: Nhờ sự giúp sức của các cơ quan Trung ương, địa phương và nhiều tập thể, cá nhân, gia đình đã hoàn thành nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn tại chính mảnh đất ông sinh ra vào đúng dịp 100 năm ngày sinh của ông…
SỰ TIẾN BỘ VỀ KHOA HỌC KỸ THUẬT THUỶ LỢI Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN 1945
Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy
ĐANG TRUY CẬP: | 1 NGƯỜI. |
HÔM NAY: | 1 LƯỢT. |
TOÀN BỘ: | 1 LƯỢT. |
2015 © qlnsongday.vn ALL Rights Reserved. Bảo mật