Sau khi Thủ đô được hoàn toàn giải phóng, đồng ruộng khắp nơi ở ngoại thành Hà Nội gặp hạn hán nặng nề do hệ thống thủy lợi bị phá hủy, sạt lở nghiêm trọng, không còn phát huy được tác dụng. Để khôi phục sản xuất, Hà Nội đã huy động lực lượng tham gia chống hạn, cứu đồng ruộng, nhưng đến đầu năm 1958 mới chỉ có một số nơi làm tốt công tác này, trong đó có xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Để động viên nhân dân ra sức chống hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm hỏi, khen ngợi nhân dân xã Mễ Trì vì thành tích chống hạn tốt. Tại đây, Người nêu câu hỏi: Xã Mễ Trì làm tốt việc chống hạn, các xã khác chưa làm được là vì sao?
Sau đó, Người lý giải cặn kẽ nguyên do khiến việc chống hạn, cứu ruộng ở nhiều nơi không thành công. Người nói: “Nhân dân ngoại thành có 14 vạn người. Nếu trừ cụ già, em bé, phụ nữ có thai nghén thì cũng còn 10 vạn người có sức lao động. Diện tích ruộng là 12.600 mẫu. Nếu chia trung bình ra thì 8 người chống hạn cho 1 mẫu. Một mẫu mà 8 người làm, nhất định được”.
Người phân tích, việc nhiều nơi chưa chống được hạn là vì còn tư tưởng sai lệch. Do vậy, phải chống hạn ngay trong tư tưởng. Ngoài ra, đó còn là vì thiếu quyết tâm, thiếu đoàn kết, thiếu tư tưởng lâu dài:
- Thấy hạn thì bỏ ruộng đi buôn, vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ăn được không? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì mà ăn. Thóc lúa ăn được, vàng có ăn được không? Nhân dân ta phải bám lấy đồng ruộng. Ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, đừng chỉ nhìn lợi trước mắt mà quên lợi sau. Đừng có thấy cây mà chẳng thấy rừng.
Người nghiêm khắc phê phán thói ích kỷ, địa phương chủ nghĩa, xóm này đào mương lại sợ các xóm bên cạnh được hưởng. Người nhấn mạnh, chống hạn mà được mùa thì mọi người được hưởng, nếu không chống hạn thì mọi người đều chịu thiệt cả. Bởi thế, Người động viên nhân dân các xã giúp đỡ lẫn nhau chống hạn:
- Có xã phải chống hạn lâu hơn, có xã đông người hơn, xã đông người giúp xã ít người, xã phải chống hạn ít giúp xã phải chống hạn nhiều, phải đẩy mạnh xây dựng, củng cố các tổ đổi công thì chống hạn mới có kết quả.
Sau khi nghe Bác Hồ nói chuyện, nông dân các xã ngoại thành Hà Nội quyết tâm rất cao, đồng lòng dốc sức đẩy lùi hạn hán. Các lực lượng bộ đội, công nhân, học sinh cũng ra sức giúp đỡ nông dân chống hạn. Kết quả, Hà Nội đã khôi phục hầu hết diện tích ruộng bị hoang hóa, hạn hán, năng suất lúa ngày càng được cải thiện, bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho nhân dân và chi viện cho tiền tuyến đánh giặc.