|
Thưa ông, với 7 tác phẩm viết về thủy lợi và tài nguyên nước, trong đó có 5 tác phẩm viết về lịch sử thủy lợi. Cơ duyên nào mà ông có được kho tư liệu đồ sộ chuyên ngành thủy lợi vậy?
Ông Phan Khánh: Tôi vinh dự được học khoa Thủy lợi khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Giao thông công chính của nhà nước ta, được các bậc cha anh đều là những đại trí thức lúc ấy như các thầy Trần Đăng Khoa, Đào Trọng Kim, Nguyễn Hạp… trực tiếp giảng dạy. Ra trường được điều ngay về công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, được các bậc thuộc “thế hệ vàng” bồi dưỡng tay nghề. Sau đó tôi về phòng tổng hợp của Bộ Thủy lợi được trực tiếp làm việc với các bậc thuộc “thế hệ vàng” ấy. Năm 1976, tôi chuyển về phòng Thẩm định dự án rồi làm Quyền trưởng phòng Tư liệu lịch sử. Sẵn có vốn tiếng Pháp được học trường Tây từ nhỏ nên tôi đọc được các tài liệu thủy lợi từ văn bản gốc, từ đấy tôi có thói quen đọc, ghi chép các tư liệu lịch sử và viết báo.
Trong tác phẩm gần đây nhất “Bác Hồ với ngành thủy lợi” ông có đề cập đến minh triết của Bác về nước, về công tác thủy lợi. Đây là một quan điểm mới. Tại sao mãi đến 50 năm sau mới được đề cập?
Ông Phan Khánh: Ngày 17/9/1959, Chính phủ tổ chức Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc. Tại Hội nghị đấy Bác Hồ nói “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước. Có đất có nước mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Toàn bộ những câu chữ trên của Bác được ghi lại từ bài nói chuyện của Bác tại hội nghị đấy, bài nói chuyện kéo dài khoảng 20 phút. Như hàng trăm cuộc nói chuyện khác, Bác nói rất tự nhiên mà không phải đọc văn và hình như cũng không ai ghi chép được bởi cách nói của Bác rất lôi cuốn và rất dễ nhớ nên mọi người đều chăm chú nghe mà quên việc ghi chép. Mãi đến khi Bác về rồi thì mọi người mới bàn tán và rút ra câu đấy là câu tâm đắc nhất.
Sau đó, câu nói trên của Bác đều được các cơ quan thủy lợi viết to, treo một bên trang trọng, phía bên kia là câu nói của Lê Nin “Công tác thủy lợi là cần thiết hơn cả; chính nó sẽ tái tạo đất nước, sẽ phục hưng đất nước, sẽ chôn vùi quá khứ, sẽ củng cố bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Hai câu nói của 2 lãnh tụ được trang trí như một cặp liễn đối xứng và mọi người đều hiểu đấy là hai câu khẩu hiệu, lời kêu gọi nổi tiếng mà chưa có ai suy nghĩ thấu đáo.
Mãi đến những năm thập kỷ 90 của thế kỷ vừa qua, qua các hội nghị nguyên thủ quốc gia về nước năm 1992, qua các diễn đàn khoa học, thế giới mới nhận chân được vai trò của nước. Khi tiếp thu tri thức mới, một số nhà quản lý, khoa học mới giật mình ngộ ra rằng, tất cả các nhận thức về nước hiện đại đều đã được gói gọn một cách súc tích, tài tình, toàn mỹ qua câu nói của Bác Hồ từ 50 năm về trước và lúc đấy mọi người mới tôn đấy là minh triết của Bác về nước, về thủy lợi.
50 năm. Biết bao vật đổi sao dời, biết bao nhận thức mới hoàn thiện thêm, nâng cao hơn nhận thức cũ. Ông có đối chiếu phát biểu của Bác với thời nay?
Ông Phan Khánh: Hoàn cảnh lịch sử và trào lưu những năm 60 thế kỷ trước khiến cho tất cả chúng ta chưa nhận thức được tầm vĩ đại của minh triết đó. Sự phát triển của khoa học và kinh tế loài người ngày nay đã cho chúng ta nhìn nhận thiên nhiên và soi rọi lại mình một cách thấu đáo và biện chứng hơn nên mới thấy được tầm nhìn của Bác đi trước thời đại và gọi đấy là minh triết. Sẽ không có việc phá rừng làm thủy điện tràn lan, sẽ không có chuyện bức tử các dòng sông, sẽ không có chuyện chặn nguồn nước để khai khoáng, sẽ không có chuyện sạt lở, bão lụt cực đoan, bất thường xảy ra thường xuyên nếu các nhà quản lý thấm nhuần “Làm cho đất với nước điều hòa với nhau”.
Nếu thấm nhuần minh triết của Bác “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội” thì cũng sẽ không xảy ra việc tranh chấp đất đai, nguồn nước xảy ra căng thẳng như vừa qua. Năm 1959, nhân dân làng Xuân Quan, Cửu Cao ở Văn Giang (Hưng Yên) phải hy sinh 150 ha lúa mới trỗ, hy sinh miếng cơm sắp đưa vào miệng những năm ấy mà ai cũng vui vẻ bởi họ biết rằng nếu hoãn 2 tuần nữa, đợi cho lúa chín thu hoạch xong mới đưa nước Bắc Hưng Hải vào đồng thì không những cả 150.000 ha của 3 tỉnh mà cả với 150 ha của họ không kịp xuống giống vụ chiêm. Dân làng Bát Tràng, cổ kính văn hiến hàng nghìn năm cũng vui vẻ dời đi nơi khác, bởi họ biết chắc chắn rằng việc hy sinh của họ hiện tại là để nâng cao cuộc sống cho chính họ.
PV: Xin cám ơn ông!
SỰ TIẾN BỘ VỀ KHOA HỌC KỸ THUẬT THUỶ LỢI Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN 1945
Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy
ĐANG TRUY CẬP: | 1 NGƯỜI. |
HÔM NAY: | 1 LƯỢT. |
TOÀN BỘ: | 1 LƯỢT. |
2015 © qlnsongday.vn ALL Rights Reserved. Bảo mật