TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG 5 NĂM TỚI ĐỂ PHỤC VỤ TƯỚI, TIÊU
CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH, XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN
CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐẠT HIỆU QUẢ CAO NHẤT
Trần Anh Tuấn
Trưởng phòng QLN&CT – Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy.
Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu riêng, có tài khoản tại các ngân hàng theo quy định của Pháp luật, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty đã được UBND thành phố Hà Nội phê chuẩn;
Kể từ khi công bố Quyết định thành lập Công ty (ngày 11/9/2008) đến nay, với thời gian hơn 6 năm tuy không dài để một doanh nghiệp có thể chỉnh sửa những bật cập của bộ máy làm việc, hoàn thiện hệ thống công trình … nhưng cũng đủ để đánh giá, nhận xét về cách thức triển khai các công việc và đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ đã đạt được.
Với nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua Công ty đã tập trung phát huy nội lực và tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư tu bổ, nâng cấp công trình nhằm nâng cao năng lực vận hành, đảm bảo an toàn cho các hệ thống công trình thuỷ lợi. Công ty cũng thường xuyên thực hiện việc tốt việc quản lý, duy trì và vận hành hệ thống tưới tiêu; phối hợp với chính quyền các địa phương các cấp trong việc quản lý, bảo vệ các công trình nhằm ngăn chặn tối đa việc vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý. 1. Các văn bản cần phải nghiên cứu thực hiện trong 5 năm tới:
- Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 18/10/2012; trong đó đối với địa bàn Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy quản lý có hệ số tưới đầu mối từ 1,8 l/s.ha đến 2,0 l/s.ha; hệ số tiêu từ 8,1 l/s.ha đến 9,1 l/s.ha đối với đất nông nghiệp và từ 17,9 l/s.ha đến 19,7 l/s.ha đối với đô thị;
- Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phạm vi bảo vệ đối với công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Quyết định số 5168/2014/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc Phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi Sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Quyết định số 5401/QĐ-UBND ngày 21/10/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục công trình thủy lợi được phân cấp quản lý theo quy định tại Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 của UBND thành phố Hà Nội; 2. Những công việc cần thực hiện trong 5 năm tới:
- Cần khẩn trương hoàn thiện bộ hồ sơ quản lý công trình của từng Cụm thủy nông, từng Xí nghiệp ĐTPT thủy lợi và của Công ty, bao gồm: Danh mục chi tiết các trạm bơm, hệ thống kênh, công trình trên kênh, các hồ chứa nước … trong đó phải thể hiện cơ bản đầy đủ các thông số kỹ thuật, số liệu cần thiết; hệ thống công trình này phải được thể hiện đầy đủ trên bộ bản đồ kèm theo. Trên cơ sở bộ hồ sơ quản lý công trình đã lập, tiến hành đánh giá hiện trạng, năng lực phục vụ và sắp xếp theo thứ tự công trình xuống cấp, công trình cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp, sau đó báo cáo các cấp quyết định đầu tư để phục vụ sản xuất đạt hiệu quả;
- Đề nghị Thành phố sớm cho triển khai lập quy hoạch chi tiết hệ thống công trình tưới, tiêu trên cơ sở quy hoạch thủy lợi tổng thể toàn Thành phố mới được phê duyệt làm cơ sở để quản lý, khai thác và đầu tư nâng cấp, sửa chữa đạt hiệu quả;
- Đề nghị Thành phố sớm phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ cho toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi do Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy quản lý làm cơ sở để đề nghị các cấp chính quyền phối hợp với Công ty bảo vệ, ngăn chặn tối đa tình trạng vi phạm pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
- Đánh giá nhu cầu sử dụng nước tưới của từng địa phương trên cơ sở phân tích diện tích các loại cây trồng cần phục vụ. Trong thời gian qua cơ cấu, thời vụ của các loại cây trồng thường xuyên thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, sản lượng, do đó đòi hỏi hệ thống công trình thủy lợi cũng phải đáp ứng theo;
- Hiện đại hóa quá trình điều hành phục vụ sản xuất, cụ thể:
+ Tiến hành điều hành hệ thống công trình thủy lợi bằng hệ thống điện tử, kết nối mạng internet ….
+ Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới;
+ Phân loại, đánh giá đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong từng đơn vị để sử dụng vào từng công việc đạt hiệu quả nhất.