Trần Anh Tuấn
Trưởng phòng QLN&CT – Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy.
THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
TRÊN ĐỊA BÀN NHẰM PHỤC VỤ TỐT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH, XÃ HỘI
Hệ thống công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy quản lý, khai thác thực hiện nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, kinh tế cho 6 quận, huyện chính là Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và một phần quận Bắc Từ Liêm, các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên thuộc thành phố Hà Nội, với tổng diện tích lưu vực khoảng 70.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 30.000 ha. Vùng hệ thống phục vụ có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp sông Hồng, phía Nam giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp Công ty TNHH MTV ĐTPT thuỷ lợi Sông Nhuệ, phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình.
Địa hình khu vực đa dạng phức tạp, khó khăn cho việc tiêu thoát úng: Vùng giáp Hoà Bình của huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức thường xuyên bị lũ rừng ngang từ Hoà Bình đổ về; vùng đồng bằng ven sông Đáy, sông Nhuệ là khu vực trũng thấp;
Với nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài khó khăn do mưa, lũ, hạn hán hàng năm gây ra, cùng với tình trạng xuống cấp hệ thống công trình thủy lợi, hoạt động của Công ty còn chịu nhiều tác động bởi các yếu tố khách quan bất lợi khác. Để có thể hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quá trình phục vụ sản xuất, những năm qua Công ty đã tập trung phát huy nội lực và tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư tu bổ, nâng cấp công trình nhằm nâng cao năng lực vận hành, đảm bảo an toàn cho các hệ thống công trình thuỷ lợi. Công ty cũng thường xuyên thực hiện việc tốt việc quản lý, duy trì và vận hành hệ thống tưới tiêu; phối hợp với chính quyền các địa phương các cấp trong việc quản lý, bảo vệ các công trình nhằm ngăn chặn tối đa việc vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý. 1. Thực trạng các công trình thủy lợi do Công ty quản lý, khai thác: 1.1 Về phân cấp quản lý:
Hệ thống công trình thủy lợi được phân chia theo 04 Xí nghiệp ĐTPT thuỷ lợi trực thuộc Công ty trực tiếp quản lý, gồm các Xí nghiệp ĐTPT thuỷ lợi: Đan Hoài, La Khê, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Trong đó:
- Xí nghiệp ĐTPT Đan Hoài phục vụ địa bàn huyện Đan Phượng, Hoài Đức và một phần các quận: Bắc Từ Liêm, Hà Đông;
- Xí nghiệp ĐTPT La Khê phục vụ địa bàn huyện Thanh Oai và một phần quận Hà Đông, các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên;
- Xí nghiệp ĐTPT Chương Mỹ phục vụ địa bàn huyện Chương Mỹ và một phần quận Hà Đông (phường Biên Giang);
- Xí nghiệp ĐTPT Mỹ Đức phục vụ địa bàn huyện Mỹ Đức. 1.2 Về thực trạng hệ thống công trình thủy lợi: a) Trạm bơm:
Tổng số có 164 trạm bơm với 719 máy bơm các loại từ máy bơm 1.000m3/h đến 10.800m3/h (Trạm bơm tưới: 75 TB = 231 máy bơm; Trạm bơm tiêu: 54 TB = 283 máy bơm; TB tưới, tiêu kết hợp: 35 TB = 205 máy bơm);
Đa số các trạm bơm xây dựng từ những năm 70 - 80, hiệu suất bơm giảm, hiệu quả bơm tưới, tiêu thấp, hệ thống điện hạ thế của nhiều trạm dễ bị sự cố khi các trạm bơm hoạt động nhiều ngày. b) Kênh mương:
Tổng số có 539 tuyến với 918 km kênh mương cấp 1, 2 (Kênh tưới: 248 tuyến = 355 km; Kênh tiêu: 230 tuyến = 433 km; Kênh tưới, tiêu kết hợp: 61 tuyến = 130km). Chiều dài kênh đã kiên cố hoá: 173km (Kênh tưới: 166 km; Kênh tiêu: 7km).
Các tuyến kênh hiện nay phần lớn là kênh đất, do thực hiện tốt nhiệm vụ đặt hàng quản lý, duy trì và vận hành hệ thống tưới, tiêu nên hệ thống kênh mương vẫn cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, còn một số tuyến kênh do nhiều năm chưa được nạo vét, tu sửa hoặc có nạo vét, tu sửa nhưng tốc độ bồi lắng nhanh, lòng kênh bị thu hẹp, bờ kênh bị sụt sạt, hiệu quả dẫn nước tưới, tiêu thấp. c) Cống và công trình trên kênh:
Tổng số cống và công trình trên kênh hiện Công ty quản lý là 5.683 công trình (Công trình tưới: 2.302; Công trình tiêu: 1.590; Công trình tưới, tiêu kết hợp: 604; Công trình điều tiết: 263; Công trình khác: 924).
Các cống lớn đa số đều chưa được điện khí hoá, một số cống xây dựng đã lâu hiện nay khẩu diện cống nhỏ khả năng ngăn lũ và tiêu thoát úng bị hạn chế cần được cải tạo, nâng cấp. d) Hồ chứa nước:
Công ty hiện đang quản lý 4 hồ chứa nước trên địa bàn hai huyện: Huyện Chương Mỹ (Hồ Miễu: 2,5 triệu m3; Hồ Văn Sơn: 7 triệu m3; Hồ Đồng Sương: 10,5 triệu m3); Huyện Mỹ Đức (Hồ Quan Sơn: 12 triệu m3).
Các hồ chứa: Miễu, Đồng Sương mới được cải tạo, nâng cấp nên đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất và phòng chống lũ rừng ngang; Các hồ chứa: Văn Sơn, Quan Sơn sau hơn 40 năm khai thác, sử dụng, các hạng mục: tràn xả lũ, cống lấy nước, đập đất, nhà quản lý … đã bị hư hỏng xuống cấp cần được cải tạo, nâng cấp; 2. Những khó khăn trong việc tu sửa công trình của những năm trước đây:
Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy được hình thành từ Quyết định số 2082/QĐ-UBND ngày 04/7/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) về việc phê duyệt Đề án hợp nhất các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Đan Hoài, La Khê, Chương Mỹ, Mỹ Đức thành Công ty thuỷ lợi Sông Đáy (sau đó UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2126/QĐ-UBND ngày 13/5/2010 chuyển đổi Công ty thuỷ lợi Sông Đáy thành Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy).
Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi trước đây được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp ngân sách để chi cho toàn bộ hoạt động của đơn vị, trong đó có cả việc đầu tư tu sửa công trình. Do nguồn vốn còn nhiều khó khăn, hạn chế nên kinh phí đầu tư tu sửa cải tạo, nâng cấp công trình không được nhiều, chỉ tập trung vào việc tu sửa nhỏ là chính. Đặc biệt thời kỳ trước năm 2007, khi Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi chưa ban hành thì các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi vẫn phải đi thu thủy lợi phí từ các đơn vị dùng nước để chi cho các hoạt động của đơn vị nên việc đầu tư tu sửa công trình lại càng khó khăn hơn. 3. Những thuận lợi trong việc tu sửa công trình của những năm gần đây:
Ngày 29/5/2008 tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2008. Theo đó, sau khi hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), tiếp nhận toàn bộ huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy chính thức thuộc Thành phố Hà Nội quản lý.
Kể từ ngày hợp nhất về với Hà Nội, cùng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước thì Thủ đô Hà Nội cũng đã và đang quan tâm đầu tư kinh phí để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo công trình thủy lợi.
Chính vì có việc đầu tư kinh phí bằng các nguồn vốn: Xây dựng cơ bản tập trung, sự nghiệp kinh tế, sửa chữa thường xuyên, khấu hao tài sản cố định ... nên hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Công ty nói riêng và trên toàn Thành phố nói chung đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế, xã hội; cùng với đó là việc Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chính sách về quy hoạch phát triển thủy lợi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 18/10/2012). Đối với một số công trình trọng điểm trên địa bàn Công ty đã và đang được Thành phố quan tâm đầu tư kinh phí đó là: Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Phụ Chính, huyện Chương Mỹ; Cải tạo, nâng cấp hồ Miễu, huyện Chương Mỹ; Xây dựng trụ sở làm việc Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy; Xây dựng trạm bơm dã chiến Bá Giang; Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tưới, tiêu Phú Yên, huyện Mỹ Đức; KCH hệ thống kênh tưới hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ; Bổ sung một số hạng mục công trình TB tiêu Hạ Dục 2, Chương Mỹ; KCH kết hợp giao thông kênh chính trạm bơm La Khê; Cải tạo, nâng cấp TB tưới, tiêu Hoà Lạc, huyện Mỹ Đức ... cùng một số công trình khác. 4. Một số giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn:
- Công ty thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, duy trì và vận hành hệ thống tưới tiêu trên địa bàn;
- Đề nghị Chính quyền các cấp có biện pháp xử lý tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi, đặc biệt là việc giải phóng các vi phạm trong lòng các tuyến kênh, gây ách tắc dòng chảy; có biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp, làng nghề . . . xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới cho cây trồng.
- Đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp các trạm bơm tưới, tiêu được xây dựng quá lâu, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng; đồng thời quan tâm đầu tư kiên cố hoá các tuyến kênh tưới cấp 1, 2.
- Đề nghị UBND Thành phố: Đầu tư kinh phí để lập quy hoạch chi tiết hệ thống công trình thủy lợi trên cơ sở quy hoạch thủy lợi tổng thể đã được phê duyệt, nhằm thực hiện việc quản lý, khai thác, cải tạo, nâng cấp các công trình đạt hiệu quả; Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cấp kinh phí để thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; Giao cho các Công ty thủy lợi chủ động tu sửa các công trình sử dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên khi bị hư hỏng đột xuất trên tổng số vốn đã duyệt trong kế hoạch hàng năm.