Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Tiếp đó, Sắc lệnh về ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ra đời. Cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng…
Cử tri nhận phiếu bầu tại một khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử
Ký ức của cụ già 80 tuổi
Cụ Nguyễn Đức Kầm ở xã Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) năm nay đã 80 tuổi kể:
“Tôi nhớ Sắc lệnh ghi rõ những quy định về vận động ứng cử, tổ chức bầu cử. Ví dụ như Sắc lệnh quy định người ứng cử được tự do vận động nhưng cuộc vận động không được trái với nền dân chủ cộng hòa và phương hại đến nền độc lập.
Trong cuộc hội họp để vận động tuyển cử (diễn thuyết giới thiệu người ứng cử) chỉ phải khai cho các Ủy ban nhân dân địa phương biết trước 24 giờ… Hồi đó, tôi còn đọc được một bài trên Báo Quốc hội ra ngày 17/12/1946 với nhan đề Trước ngày Tổng tuyển cử làm gì?
Bài báo đã hướng dẫn ngắn gọn nhưng đầy đủ những việc mà người cử tri cần làm trước ngày bầu cử”.
Cụ Kầm cẩn thận lật đáy hòm lấy ra một tờ báo khổ to, in trên giấy nâu cũ kỹ. Tờ báo mang tên Quốc hội và dưới măng-séc ghi “Nhật báo chỉ ra trong ngày Tổng tuyển cử”. Giá bán 5 hào. Tờ báo có hai trang nhưng đã phản ánh rất phong phú, sinh động những diễn biến và không khí trước ngày Tổng tuyển cử.
Cụ Kầm nhớ lại: “Ngày ấy, tôi muốn biết rõ các ứng cử viên, chương trình tranh cử và những phát biểu của họ trước ngày Tổng tuyển cử thì mua tờ báo Quốc hội này đọc, nghe loa phát thanh…
Cách tuyên truyền đi vào lòng người nên đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên”. Cụ vuốt lại tờ báo cho phẳng rồi cẩn thận cất vào đáy hòm.
Những ngày này, PGS Lê Mậu Hãn – giảng dạy môn Khoa học chính trị ở Đại học Quốc gia Hà Nội, người nghiên cứu sâu về Tổng tuyển cử năm 1946 và đã biên soạn hai tập sách về lịch sử Quốc hội đang muốn tìm về cái không khí náo nức của những ngày đầu năm 1946.
Ông lần giở cho chúng tôi xem từng trang báo Quốc hội và thuyết minh như thể mình là chủ bút: “ Đây là báo Quốc hội số 1, thay lời phi lộ, báo nói rõ mục đích của mình: “1. Định rõ giá trị cuộc Tổng Tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước. 2 Giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho công dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trong khi bầu cử .3. Giúp các bạn ứng cử một cơ quan vận động chung, để giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình”.
Có thể nói thời điểm này, nếu đọc lại các số báo Quốc hội có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh lẫn cận cảnh ngày Tổng tuyển cử. Báo đã phỏng vấn rất nhiều ứng cử viên mà tên tuổi đã đi vào lịch sử . Đặc biệt báo đã hai lần đăng phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tổng tuyển cử. Đó thực sự là “báu vật” của Báo Quốc hội”.
Đó là số đặc biệt ra ngày 6/1/1945 – Ngày Tổng tuyển cử. Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tiếp phóng viên Báo Quốc hội.
Bài báo với nhan đề Hồ Chủ tịch nói về phụ nữ, được đăng trang trọng trên trang nhất. Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn rất ý nghĩa đối với kỳ bầu bầu cử Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra vào ngày 20/5/2007.
PV: Xin Cụ cho biết về chính trị, phụ nữ nước nhà đã có gì khả quan chưa? Hồ Chủ tịch mỉm cười: Ấy, tôi cũng đang định hỏi chị về chỗ đó.
PV: Bẩm Cụ theo như chỗ cháu thấy thì phụ nữ nước nhà tiến bộ chậm lắm, hầu hết còn rụt rè, nhút nhát vì không có nhiều cuộc họp chung để trao đổi ý kiến, tuy cũng có một vài đoàn thể song phạm vi không rộng lắm, phần nhiều chỉ những tổ chức riêng, hội họp riêng cho một số đoàn viên thôi.
Hồ Chủ tịch gật đầu: Cái đó là lỗi ở các đoàn thể không biết mở rộng phạm vi nhưng cũng là lỗi ở các chị đã không biết tin đến…
PV: Bẩm Cụ, rất đúng, phụ nữ xứ nhà còn thờ ơ lắm với quyền lợi của mình, ngay như việc đi bầu cử, có nhiều chị không được sốt sắng, kêu bận con không đi được hay không biết gì mà bầu…
Hồ Chủ tịch hỏi: Thế chị có khuyến khích các chị ấy không? Chị nói gì với các chị ấy?
PV: Bẩm Cụ, cháu có nói với các chị ấy rằng cần phải đi bầu cử, có đi bầu cử mới chọn được người xứng đáng làm đại biểu bênh vực quyền lợi cho mình, nhất là cuộc Tổng tuyển cử tới đây lại quan hệ đến nền độc lập của quốc gia.
Hồ Chủ tịch ôn tồn nói: Chị nói thế chưa đủ, phải nói cho phổ thông chứ đừng nói cao xa quá.
Thí dụ như một người đàn bà xưa nay chỉ ở trong nhà bế con, nghe chị nói, người ta chỉ biết rằng đi bầu chọn người đại biểu để bênh vực quyền lợi, nhưng người ta có hiểu quyền lợi gì? Ở đâu?
Phải nói đến cái điều gì thiết thực cho người ta thấy ngay được cái lợi, thí dụ ít nữa sẽ có nhiều nhà nuôi dạy trẻ, nếu chị bận hay muốn làm thêm công việc gì khác, có thể đem con đến gửi, cũng được chăm sóc cẩn thận như ở nhà…”.
Cũng trong số báo Quốc hội đặc biệt ra ngày 6/1/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn về một số vấn đề quan trọng của Tổng Tuyển cử.
Trả lời câu hỏi: Phương pháp tuyên truyền Quốc hội và vận động Tổng Tuyển cử, nước nhà đã theo kịp nước người chưa, Hồ Chủ tịch cho rằng: Nước nhà cố nhiên chưa theo kịp nước người, vì lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm; vả chăng những phương tiện tuyên truyền của nước ngoài khá hơn, ví dụ họ có sẵn tàu bay, sẵn rạp chiếu bóng, sẵn giấy.v.v.. là những thứ hiện ta thiếu cả. Nhưng lần đầu mình làm được như thế này cũng đã khá lắm rồi.
Ông Chủ bút Báo Quốc hội nhắc lại nỗi sung sướng của một bà cụ 92 tuổi ở Phúc Yên hôm đi bỏ phiếu. Hồ Chủ tịch bảo đó cũng là một chứng cớ chứng tỏ mình không kém người chút nào, chỉ tại mình chưa hề được bầu cử.
Trước khi các phóng viên ra về, Hồ Chủ tịch ân cần nói thêm một câu và dặn phải nhắc lại cho đồng bào: “Ở Pháp đã có mấy chục lần tuyển cử rồi nhưng mãi năm ngoái, phụ nữ Pháp mới được hưởng quyền bỏ phiếu. Xem như thế, thì có cái ta chậm hơn nước ngoài, nhưng có cái ta đi quá họ”.
Hồi ấy, PGS Lê Mậu Hãn còn là một thiếu niên chưa được quyền đi bầu cử, nhưng cái không khí náo nức ở cái làng nhỏ ở tỉnh Quảng Trị trước ngày Tổng tuyển cử vẫn in đậm trong tâm trí ông đến bây giờ.
Làng rợp bóng cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, biểu ngữ. Nhiều người mang biểu ngữ lên xe trâu đi khắp làng kêu gọi người dân đi bầu cử. Một số người còn sáng tác cả thơ ca hò vè để vận động cho các ứng cử viên.
Có bà cụ 85 tuổi vẫn thắp đèn học chữ quốc ngữ để đến ngày bầu cử có thể tự tay viết tên ứng cử viên mình chọn, khỏi phải nhờ đến con cháu. Không khí ngày hội ấy tràn ngập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Tại tỉnh miền núi xa xôi Bắc Kạn, gần như tất cả các nhà dân đều dán những khẩu hiệu: “Công dân Việt Nam phải đi bầu cử”. Tối hôm 19/12/1945, Ban Tuyên truyền thành Bắc Kạn đã diễn vở Thày bói xin đi bỏ phiếu để cổ động cho dân chúng biết thế nào là người có quyền bầu cử.
Tại thị xã Sơn Tây, tối 18/12/1945, một số người ứng cử vào Quốc hội đã ra mắt và công chúng và diễn thuyết. Nhiều địa phương treo giải cho làng nào có người đi bầu đông nhất. Có nơi còn mở cuộc thi dự đoán ai sẽ trúng cử…
Trên cái nền đó, những người ứng cử vào Quốc hội cũng tích cực vận động, đi diễn thuyết, gặp gỡ cử tri, trả lời báo chí… Các chương trình hành động, lời hứa đối với người dân của một số ứng viên nổi tiếng như Vũ Đình Hoè, Xuân Diệu, Trịnh Văn Bô… được đăng tải trên các số Báo Quốc hội và tạo nên một không khí dân chủ đầy chất nghị trường chưa từng có trong lịch sử hàng nghìn năm nước Việt.
Phùng Nguyên
Việt Báo (Theo Báo Tiền Phong)
Kim Yến (st)
Công ty ĐTPT thủy lợi Sông Đáy
ĐANG TRUY CẬP: | 1 NGƯỜI. |
HÔM NAY: | 1 LƯỢT. |
TOÀN BỘ: | 1 LƯỢT. |
2015 © qlnsongday.vn ALL Rights Reserved. Bảo mật