Hôm nay, Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ hỏi thǎm các cụ phụ lão, đồng bào, cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng.
Bây giờ, Bác nói chuyện với các cô, các chú về quyết tâm chống hạn.
Tình hình hạn nghiêm trọng như thế nào đồng bào đã biết rõ. Diện hạn ở Hà Đông nói chung không rộng, nếu cố gắng vẫn chống được. Vì dân số Hà Đông có 82 vạn 4 nghìn người, ruộng cấy chiêm có 40 nghìn 3 trǎm hécta. Trừ một phần ba là các cụ già yếu, phụ nữ có thai nghén, các em bé chưa có sức lao động, cũng còn 54 vạn 9 nghìn người, tính đổ đồng 12 người chống hạn cho 1 hécta, như vậy có khó quá không? Có làm được không? Nhất định làm được.
Chúng ta có chủ lực rất lớn là đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, hội viên nông hội, cộng lại là 27 vạn 3 nghìn người. Mỗi người có tổ chức chỉ cần khuyến khích động viên, đánh thông tư tưởng cho một người nữa là được. Chúng ta có lực lượng tổ đổi công là hơn 2 nghìn 8 trǎm tổ, lại có bộ đội tham gia, nghĩa là có một lực lượng rất lớn để chống hạn và tǎng gia sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh Hà Đông lại có điều kiện thuận lợi hơn nhiều tỉnh khác là có nhiều sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bùi.
Sức người có, điều kiện thiên nhiên có, nhưng chống hạn đến nay còn kém, trước hết là vì tư tưởng chưa thông:
- Có người bi quan, sợ khó, không tin vào đào giếng, đào mương, không hiểu rằng làm việc gì cũng có khó khǎn, chỉ có khó nhiều, khó ít nhưng nếu có quyết tâm là vượt được. Tư tưởng ỷ lại vào máy bơm nước cũng không đúng. Nếu tỉnh nào cũng chờ máy bơm thì Chính phủ phải có hàng vạn cái, phải mở nhà máy, mà mở nhà máy thì phải có tiền, nhân dân phải xuất ra và ít nhất cũng phải 2 nǎm. Nếu chờ máy bơm nước thì ngồi bó tay trong 2 nǎm hay sao?
- Một số đồng bào chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể, cho nên đã bỏ ruộng đi buôn hoặc làm nghề khác, không tham gia chống hạn. Nông dân phải bám lấy ruộng đất, phải chống hạn, phải tǎng gia sản xuất. Nếu bỏ ruộng đi buôn không ra sức chống hạn để hạn hán mất mùa thì mọi người đều bị đói, người đi buôn cũng không no được.
- Một khuyết điểm nữa là thiếu cảnh giác. Vì Mỹ – Diệm và bọn tay chân của chúng thấy cái gì ta làm tốt thì chúng bóp méo, nói xấu. Như gặp hạn hán thì chúng tìm cách làm cho dân ta xao lãng chống hạn, không tin vào lực lượng mình, mà mê tín cầu đảo cầu trời.
Do những khuyết điểm trên và không quyết tâm, không tin vào lực lượng của mình, của tập thể, cho nên đến nay việc chống hạn còn kém.
Nhưng đồng bào Hà Đông sẵn có truyền thống anh dũng. Trong kháng chiến, đồng bào Hà Đông đã anh dũng chiến đấu. Trong chống hạn, nǎm 1956, Hà Đông được thưởng hai lá cờ chống hạn khá nhất, nǎm 1957 đã tát nước cứu hạn được 2 vạn 3 nghìn hécta, có nhiều đơn vị đã cố gắng. Thí dụ như xã Đông Sơn (Chương Mỹ) tát nước 13 bậc, các xã Duyên Thái, Minh Phú (Thường Tín) có những chiến sĩ cần cù chịu khó, quyết tâm khắc phục khó khǎn, không những đã chống hạn thành công mà còn tǎng được sản lượng. Đó là truyền thống tốt, tất cả đồng bào Hà Đông cần củng cố và phát triển những thành tích đó.
Hiện nay cũng có thành tích như nạo cống Liên Mạc, đắp đập Thanh Liệt, đập Liễn và đang làm máng số 7. Những thành tích bước đầu đó nên khen, nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, không được vì thế mà sinh ra tự mãn.